Sinh sôi trên mảnh đất gió và nắng, trái ớt ở Tây Nguyên có vị cay thanh, mang vẻ thanh đượm rất riêng. Nếu ngậm lâu trong miệng, ớt còn mang lại vị ngọt the, vị chua nhẹ và cả vị chan chát. Nó khác hẳn với vị cay xé lưỡi của ớt miền xuôi, hay vị ngọt lừ của ớt xứ lạnh. Ngoài ra, trái ớt nơi đây cũng chứa trong mình vị đăng đắng. Chính vì thế mà khả năng kích thích vị giác của ớt là cực cao.
Ớt là nguyên liệu trong món ăn của người Tây Nguyên
Bất cứ món ăn nào của người Tây Nguyên, ớt cũng luôn là thành phần không thể thiếu. Ớt giúp món ăn trở nên sắc sảo hơn, đậm vị hơn và… đưa cơm dễ hơn. Thậm chí, người Tây Nguyên còn coi ớt là một món ăn riêng, chứ không đơn giản là gia vị.
Món ớt xanh giã với muối hột, một món ăn rất thông dụng ở Tây Nguyên là ví dụ. Ớt xanh hái từ rẫy về, mang nướng trên bếp củi cho đến khi thấy ớt hơi ngả sang màu vàng. Muối hột cũng đem rang khô. Một vài tép tỏi sẽ được mang đi nướng chín. Cả ba nguyên liệu đem trộn đều, rồi cho vào cối giã nhỏ và dùng dần. Món ớt xanh giã muối hột có thể dùng để chấm cùng rau luộc, thịt xông khói nướng, dưa leo sống.
Mọc ở nơi càng cao, khí hậu càng thanh sạch, thì ớt lại có nhiều vị ngon, vị thanh, vị nồng. Tinh túy của đất trời cao nguyên lồng lộng nắng gió đã hội tụ cả vào trái ớt. Ngoài việc kích thích và đánh lừa vị giác, loại quả này còn giúp tăng cường sức đề kháng. Giúp chống được bệnh cảm cúm và bệnh sốt rét, nhất là khả năng giữ ấm cơ thể.
Ớt còn mang lại những tác dụng khác không ngờ tới.
Hiện nay ớt vẫn là gia vị chính trong hầu hết các món ăn của người Tây Nguyên. Ngay cả thức uống truyền thống rượu cần, ớt cũng là một trong năm thành phần chủ yếu. Tuy vậy, ớt chỉ có mặt với vai trò gia vị. Còn rất ít người còn nhớ đến ớt như một thiết bị phân tích đất tự nhiên vô cùng chính xác.
Thuở xưa, tập tục của người Tây Nguyên là sống đời du canh, du cư. Canh tác hoa màu phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện tự nhiên. Do đó, tìm và khai thác được mảnh đất màu mỡ, điều kiện canh tác thuận lợi, có ý nghĩa quan trọng. Bởi nó đảm bảo sinh kế, sự no đủ cho cả một cộng đồng.
Trái và lá cây ớt, với tính năng phân tích đất rất đặc biệt. Nó đã trở thành thiết bị định vị tự nhiên giúp người Tây Nguyên chọn ra nơi để tụ cư và canh tác. Ớt là loài cây dại, mọc hoang khắp những rẫy đồi Tây Nguyên. Sự hoang dã, mạnh mẽ đó đã khiến Tây Nguyên sớm để mắt tới ớt và phát hiện chúng. Tiềm ẩn trong cây ớt một tính năng đặc biệt, tính năng phân tích độ màu mỡ của đất.
Nhưng rồi, thời gian làm thay đổi mọi thứ. Cái tính năng phân tích đất của ớt bỗng chốc trở thành quá khứ, lỗi nhịp với cuộc sống. Ngày nay, những người bản địa Tây Nguyên, rất ít người còn nhớ đến cây ớt có một vai trò thử đất tự nhiên. Bởi thế, ớt giờ có một vai trò duy nhất và cũng lớn nhất, gợi cho con người nhớ về một thời chưa xa.
Theo: Nhật Trường – Tổng Hợp